Nhãn sớm Hưng Yên khí chín vỏ mỏng, có màu nâu sáng, cùi dày với hạt nhỏ, vị ngọt đậm. Đây là giống cây không qua lai tạo mà được gieo hạt – ghép cây ra hoa, đậu quả. Nhãn chín sớm tự nhiên, cho quả ngon, năng suất cao nên rất được lòng các nhà vườn và người tiêu dùng.
Cách trồng cây nhãn sớm Hưng Yên
Tiêu chuẩn chọn giống: Có 2 phương pháp thường dùng để nhân giống cây nhãn sớm Hưng Yên, đó là gieo hạt và chiết cành. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và chọn được những cây giống tốt nên mua giống ở những cửa hàng cây giống uy tín gần nhà. Cây giống không bị sâu bệnh, cây có chiều cao khoảng gần 1m.
Thời vụ trồng: Cây có thể được trồng quanh năm nhưng để cây thuận lợi sinh trưởng thì nên trồng vào mùa mưa. Tuy nhiên cây cũng sinh trưởng chậm nếu bạn không xử lý thoát nước kịp thời cho cây vào những ngày mưa liên tiếp.
Đất trồng: Cũng giống như những cây nhãn khác, nhãn sớm Hưng Yên có thể sống tốt ở nhiều loại đất khác nhau. Loại đất phù hợp nhất với cây nhãn sớm là đất phù sa, giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt.
Đào hố và mật độ trồng cây: Đào hố hình vuông với kích thước tối thiểu 60x60x60cm. Mỗi hố cách nhau khoảng 5m. Mỗi hàng hố trồng cách nhau khoảng 6m.
Trước khi đào hố nên làm sạch cỏ dại. Tiến hành đào hố rồi bón phân bón lót cho cây luôn. Dùng đất trộn đều với phân chuồng hoai mục, phân lân, xơ dừa, vôi. Phơi ải khoàng 20 ngày kết hợp với vôi giúp khử mầm bệnh, diệt kiến mối ăn rễ cây.
Trồng cây nhãn sớm Hung Yên
Làm ẩm đất trước khi trồng. Nên trồng cây vào lúc sáng hay chiều mát, tránh trồng cây vào trưa nắng sẽ làm cây bị sốc nhiệt rồi chết dần. Dùng dao rạch bỏ túi đựng bầu đất ra, đặt cây con vào giữa hố trồng. Vun đất lấp quanh gốc tạo thành hốc cao khoảng 3 – 5cm so với mặt đất. Dùng rơm, rạ, cỏ dại đậy quanh gốc giúp cây hạn chế thoát nước. Để giúp cây không bị nghiêng ngả khi gặp gió lớn nên dùng 2 cọc tre buộc thân cố định cây. Tưới đẫm nước giúp bộ rễ nhanh phát triển.
Chăm sóc cây nhãn sớm Hưng Yên
Tưới nước: Thời gian cây cần nước nhất là khi cây mới trồng, khi cây cho hoa đậu quả, quả đang lớn và gần chín, vào mùa khô. Cây có đủ nước thì mới sinh trưởng nhanh được, cây cho nhiều quả và chất lượng quả tốt. Để hạn chế ngập úng trong mùa mưa, nhất là những nơi đất trũng nên đào rãnh quanh vườn cây để dễ thoát nước.
Định kỳ hàng năm làm sạch cỏ dại, xới xáo đất trồng. Việc xới xáo đất nên được thực hiện vào 3 năm đầu, sang năm thứ tư thì không cần xới xáo nữa. Mỗi năm nên thực hiện xới xáo đất khoảng 2-3 lần.
Cắt tỉa, tạo hình:
+ Sau khi thu hoạch quả cần tiến hành cắt bỏ những cành vượt, cành trong tán cây, cành bị khô héo, cành tăm, cành sâu bệnh vừa giúp cây được thông thoáng vừa giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi những cành còn lại.
+ Khi cây cho lộc thu có chiều dài khoảng 7cm thì với những cành có quá nhiều lộc nên cắt bỏ bớt đi. Chỉ nên giữ lại khoảng 3 lộc to khỏe trên mỗi cành.
+ Vào khoảng đầu tháng 3, cây bắt đầu cho hoa nên dùng kéo cắt bỏ những bông hoa bị bệnh. Nếu một cành mà có quá nhiều hoa thì cũng nên cắt bỏ những chùm hoa nhỏ đi. Bên cạnh đó cũng cần cắt bỏ những cành khô, cành nhỏ, cành sâu bệnh.
+ Sang tháng 6, với những cành không cho đậu quả thì cũng cắt bỏ ngay. Nếu cành nào có quá nhiều quả thì cũng cắt bỏ bớt đi những quả nhỏ.
Phòng trừ sâu bệnh hại: Cần ra thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh kịp thời. Dùng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng ghi trên bao bì để phun toàn bộ vườn cây.